Quyển sách này chắc cũng có duyên với mình, mình va vào nó vài lần mới quyết định mua về đọc.
Mình thật sự hơi bị sốc khi đọc quyển sách này. Và mình cũng cảnh báo với bạn là quyển sách này không dành cho tất cả mọi người. Bạn có thể cân nhắc trước khi mua.
Vì sao mình lại nói như vậy?
Vì thứ nhất đó là một sự đột phá trong thế giới quan của bạn nếu bạn có tư duy cởi mở đón nhận. Và ngược lại, nếu bạn đang là số đông như tác giả miêu tả trong sách thì bạn có lẽ sẽ không thích quyển sách này. Quả thật, lúc đọc được hơn một nửa, mình cũng có sự cân nhắc là có nên đọc tiếp không? Kết quả là mình đọc tiếp, đọc hết quyển sách và quyết định chia sẻ trên blog này
Thứ 2, là giọng văn rất sắc bén và có phần nào đó mạnh mẽ trong việc thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Về điềm này thì mình khá thích, vì nó rành mạch, rõ ràng. Nếu bạn thích style phân tích nhẹ nhàng thì quyển sách này cũng sẽ không hợp với bạn
Thứ 3, là tác giả. Mình là người khá kỹ trong việc lựa chọn các đầu sách để đọc. Các quyển sách mình chọn đọc trước nhất phải thỏa 2 tiêu chí: 1 là phải tạo ra giá trị cho mình & 2 là tác giả và nhà xuất bản
Năm 2014, lần đầu tiên mình đọc sách của bạn là quyển Cẩm nang tự học IELTS, quyển này lúc đó bùng nổ trên thị trường và rất được đón nhận. Bản thân mình lúc đó cũng muốn cải thiện tiếng anh và thi Ielts nên mình đã tìm đọc. Và từ đó quyển sách trở thành sách yêu thích của mình, không phải bởi tất cả những gì liên quan đến Ietls trong sách mà vì mình đã học được cách trở thành chủ của những quyển sách và khiến nó phục vụ mình. Thói quen đọc sách mình có từ nhỏ, tuy nhiên mình lại rất là nâng niu và thậm chí tôn thờ sách. Có những quyển dù đã mua hơn 10 năm nhưng vẫn y như mới, nhưng nhờ cẩm nang đó của Kiên Trần mà mình đã thay đổi, mình không tôn thờ sách nữa mà mình bắt nó phải tạo ra giá trị cho mình. Thay vì khổ sổ nâng niu, mình đã thẳng tay sử dụng sách như một công cụ để đọc, để học và để khai thác kiến thức. Ielts năm đó mình thi thử được 6.5 , cũng định ôn thêm để nâng điểm và thi thiệt, nhưng mà lười và tự hỏi thi để làm gì rồi thấy không có nhu cầu lấy bằng nên thôi.
Lý do số 3 mà mình nói ở đây là bạn Kiên Trần có vướng 1 scandal liên quan đến việc làm giả bằng để PR cho sách của bạn. Mình không có tìm hiểu và cũng không có nhu cầu tìm hiểu về scandal của bạn ấy. Nhưng nếu bạn thật sự quan tâm để cân nhắc có nên mua sách về đọc hay không thì bạn có thể đọc thêm bài phân tích ở đây. Mình cũng có đọc và mình thấy người viết minh bạch và khách quan, nên bạn có thể tham khảo thêm ở link này: Những bài học từ scandal của Kiên Trần (Blog của Chính An)
Nguồn Ảnh: The Treasure You
Quay trở lại với quyển “Đừng chạy theo đám đông”
Cơ bản là mình thích nội dung và ý tưởng của quyển sách vì nó mở ra cho mình một góc nhìn mới trong thế giới quan của mình.
Mình chỉ không thích cách tác giả dùng phương pháp so sánh và ướt lệ khi mô tả. Và đây cũng là quan điểm cá nhân của mình. Có lẽ một số bạn sẽ thích.
Mình thuộc nhóm số đông, có lẽ bạn cũng vậy.
Và mình đang tìm kiếm cho bản thân một lối đi riêng, một sự đột phá riêng, có thể vì thế mà mình được cơ duyên gặp quyển sách này. Nhưng nó cũng chỉ là tham khảo và cung cấp thêm cho mình một số kiến thức mới mà mình chưa biết hoặc làm rõ một số khái niệm mà mình hiểu sai trước đó. Giá trị lớn nhất mà mình nhận được từ quyển sách này đó chính là sự quyết tâm để dành toàn tâm toàn ý cho các dự án cá nhân của mình được nấu sôi hơn, chín mùi hơn và quyết liệt hơn.
“Khi làm cho vui thì tất nhiên sẽ chẳng đi đến đâu dù bạn có giỏi đến mấy”. Mình highlight câu này vì mình học được bài học về sự tận tâm và tập trung. Dù là bất cứ việc gì cũng cần sự hiện diện và toàn tâm với nó, đừng chỉ làm cho có.
Và “Khoảng thời gian trống để bạn đánh giá lại mọi thứ, nhìn lại mục tiêu của bạn, nhìn lại cách bạn làm việc, cân nhắc những cơ hội khác hoặc tưới cây cho một dự án nào đó bạn muốn bàn nhưng “chưa có thời gian””. Và gần đây, mình tạo ra khá nhiều khoảng trống cho bản thân để soi mình, để hít thở và để đưa ra những quyết định.