Quyển sách này lúc mua mình bị ấn tượng bởi 2 thứ: Bức ảnh chân dung của Indra và tiêu đề Dám mơ lớn.
Thời điểm cuối năm 2022, là khoảng thời gian mình bị xáo trộn nhiều nhất, vì nhiều lý do. Mình thường có thói quen đi nhà sách mỗi khi cần tìm một câu trả lời, có khi ra về với một vài quyển, có khi không. Vì thế, quyển sách này cũng là một trong những câu trả lời dành cho mình. Và lựa chọn mua quyển sách này ban đầu đến từ việc mình chỉ muốn đọc một quyển hồi ký để bớt căng thẳng với các đầu sách kinh tế và chuyên môn. Mình không hề nghĩ đến việc mình lại ngộ ra được nhiều điều từ quyển sách này, như một món quà bất ngờ chứa đầy thông điệp mạnh mẽ đến thế.
Tổng thời gian đọc quyển sách này gân 1 tháng, mình mua hồi đầu tháng 1 thế nhưng đọc cũng nhát gừng lắm và cũng chưa thoát được cái giai đoạn xáo trộn bị tàn dư từ năm trước sót lại. Và mình cứ lần lữa mãi cho đến cuối tháng, chỉ trong vòng 1 ngày khi mọi thứ vào guồng thì mình đã hoàn tất quyển sách một cách rốt ráo và gọn gàng với nhiều bài học đút rút từ đó.
Điều khiến mình nhớ nhất sau khi khép quyển sách lại đó là câu nói của cô Indra khi rời khỏi công ty cũ để đến với Pepsico: “tôi muốn nhìn thấy thành quả từ công việc của mình”. Nó gây ấn tượng cho mình là có lý do. Một điều mà từ 2,3 năm nay mình đã chưa đạt được, hay nói chính xác hơn là chưa đo lường được. Cái ngộ khi hiểu ra rằng cái cảm giác thiếu thốn thường trực trong mình lại chính là kết quả công việc mà mình chưa tìm thấy. Mình hoàn toàn không lười mà ngược lại là đã làm rất nhiều, đã cố gắng rất nhiều, và có nhiều dự án thế nhưng vì là nhiều quá nên mỗi thứ một chút chứ thật sự chưa có kết quả nào khiến cho mình thỏa mãn cả. Một nỗi đau mà mình thường hay né tránh để nói, đó là làm việc gì mình làm cũng tốt (good), nhưng không có cái nào tuyệt vời (great) để tạo ra hạnh phúc cho mình. Và điều đó là thứ mà mình thèm khát và săn đón để đáp ứng cái tâm thái học tập và phát triển không ngừng, bài học của mình là làm không chỉ cho vui mà còn cần có kết quả. Kết quả cần phải đo lường được bằng dữ liệu, vì Data is King – dự liệu là vua. Và 2023 là năm mà mình cam kết để có thể nhìn thấy thành quả từ công việc của mình.
To be or not to be là tất cả những gì mình cảm nhận từ quyển sách. Bơi hay chìm, chỉ có một lựa chọn chứ không có cái ở giữa. Như Indra nói, ở Pepsico đó là văn hóa, là sự xác quyết trong từng hành động, lời nói và quyết định.
Bài học thứ hai từ Indra đó là “để sống giữa những con người ưu tú thì bản thân mình cũng phải trở nên ưu tú.” Cô ấy đã luôn nỗ lực không ngừng, phấn đấu vươn lên và luôn nói có với mọi thách thức đến, luôn kéo giãn bản thân để thích nghi. Một tinh thần quật cường và đó cũng là tố chất của một nhà lãnh đạo tìm năng. Nhìn lại bản thân mình ở giai đoạn năm hăm mấy tuổi, mình đã luôn đón nhận mọi thách thức và cố gắng làm hết mình trong khả năng ở thời điểm đó. Điều mà mình bị thiếu lúc đó là một người dẫn đường, vì vậy mà bị vật vã, mò mẫm và vấp té hàng trăm ngàn lần trong sự cô độc và mất định hướng. Còn bây giờ, khi mà mọi thứ được dọn sẵn, con đường đã trở nên quá rõ ràng, có nhiều người hỗ trợ thì mình lại đâm ra sợ hãi và than phiền, hay đôi khi còn quay đầu bỏ chạy. Quả thật là khi con người ta bị điếc thì sẽ không sợ súng. Một cam kết mình nói với bản thân đó can đảm để xác quyết, tỉnh thức và đánh thức sức mạnh bên trong chính là sự DÁM, dám mơ, dám làm, dám chấp nhận. Thứ mà mình muốn nhìn thấy ở bản thân trong năm nay và nhiều năm về sau đó là bước chuyển mình mạnh mẽ, những sự cải tiến toàn diện và tác động bền vững cho mình và cho những người mình tương tác cùng. Một giấc mơ lớn thì cần sự dũng cảm dấn thân bởi vị quy luật sống còn là không khoan nhượng.
Bài học thứ ba mà mình học được đó là tâm thái của một người lãnh đạo. Cô Indra đã luôn chú ý đến từng chi tiết dù nhỏ nhất, không biết thì đào tài liệu mà học, không hiểu thì đi tìm thầy mà hỏi. Cô ấy gần như lật tung tóe lên hết mọi thứ để học về từng công ty mà cô ấy đảm nhận dù ở vị trí gì đi nữa; cô ấy luôn dốc sức, toàn tâm toàn ý cho dù bất cứ vai trò nào, có hay không có trong bảng mô tả công việc, dù mức lương khởi điểm khiêm tốn và dù luôn bị chê bai khi là một phụ nữ da màu đơn độc giữa dàn lãnh đạo hoành tráng trên đất Mỹ. Một điểm mà mình tự nhận thấy bản thân mình có sự tương đồng, chỉ có điểm khác biệt là mình còn lười, còn làm chưa đến nơi đến chốn. Sau 6 tháng quay trở lại làm việc, mình biết có một điều gì đó cứ thiếu thiếu để đạt được kết quả mà mình mong đợi. Một kết quả công việc thật rõ ràng chứ không phải mập mờ nhưng hiện tại và giờ thì mình đã hiểu mình cần xử lý đến cùng những hạng mục mà một người CEO cần theo dõi. Trước hết là ở vai trò và trách nhiệm, dù ở bên cạnh một người CEO, thế nhưng mĩnh đã chưa đủ hiểu những khó khăn mà người ấy phải đối diện. Chỉ biết loay hoay để làm tốt công việc nhưng lại chưa biết phải làm như thế nào, một câu hỏi cứ mãi trăn trở cho đến bây giờ. Mọi thứ dường như sáng tỏ rõ nét, mình biết rõ những gì mình cần làm, mình hiểu mình cần đi đâu và cần trang bị những kỹ năng gì để cho năm 2023 thật sự bức phá cho mình, và cho anh sếp mình.
Thay đổi lớn thì không có đường tắt, nó đòi hỏi sự trung thực, linh hoạt và can đảm. Nhưng giá trị cốt lõi cần được đặt lên hàng đầu trong từng hành vi, từng bước tiến chiến lược để đạt được tầm nhìn và những hoạch định của công ty. Tất cả mọi thông điệp cần được truyền tải thật rõ ràng, dễ hiểu đến với từng nhân viên, để đảm bảo mọi mũi tên đều cùng hướng về một phía. Và sau nhiều sự thăng trầm của chính bản thân, mình hiểu không có nhiệm vụ nào là không thể, không có sự mệnh nào là không hoàn thành khi chúng ta đặt trọn vẹn tâm huyết vào đó.
Có lần, anh mình quay sang nói với mình “Dù em không mang danh hiệu hay chức vụ nào trong đội ngũ lãnh đạo nhưng bản thân em đã là một nhân tố không thể thiếu”. Lúc đó mình đã nghĩ mình đã và đang dần dần trở thành một người lãnh đạo phục vụ không chức danh. Đó là sứ mệnh, là niềm vui và là một trách nhiệm, cho dù không ai đem đến thì mình cũng sẽ tự chủ động mang nó lên vai của mình. Càng đi sâu vào để hiểu một tổ chức, càng đi theo những ông lớn để học, thế giới càng trở nên có ý nghĩa đối với mình.
DÁM MƠ LỚN, đó là một ước mơ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Với Indra đó là thời gian của tuổi trẻ, là thời gian cho gia đình, là sự hy sinh khi không thể chứng kiến khoảnh khắc con mình trưởng thành, là những lúc mệt mỏi trốn trong toilet để khóc một mình và rồi mỉm cười bước ra mạnh mẽ và tự tin. Thế nhưng những hạt giống cô ấy gieo không chỉ là kết quả tài chính của công ty, mà còn là sự đổi thay cho nền kinh tế, cho nhận thức của nhiều thế hệ, là tác động mạnh mẽ đến chính phủ Mỹ, Ấn. Và cùng với đó là cánh cửa mở ra cho những người phụ nữ đứng lên để dám tiến lên, là tư duy bền vững cho xã hội và cho hành tinh này.
Dám mơ lớn với mình, đó cũng là những đánh đổi. Đánh đổi những cái định kiến hạn hẹp, dẹp tan cái nỗi sợ mình nhỏ bé, không đủ tầm, thiếu trình độ. Đánh đổi cái tiếng nói nhỏ dặn dò mình nên hạnh phúc và an phận với hiện tại và chỉ làm những gì mình được giao cho. Mình chưa bao giờ cho phép bản thân vừa nhấn ga vừa đạp thắng và ở trong tâm thế này thì chân ga vẫn luôn đạp. Điều cuối cùng khi khép quyển sách lại, mình có một khoảnh khắc aha đến lặng người, khi hiểu ra bao nhiêu năm nay dù có né tránh, dù có trốn chạy và dặn dò bản thân hàng ngàn lần khi “sứ mệnh” cứ va đập vào mình để nhắc nhở. Bởi vì đó là một giấc mơ lớn, một di sản mình muốn để lại để có thế tác động đến bất kì ai hữu duyên với mình trên con đường phát triển cá nhân một cách bền vững. Một giấc mơ trở thành Người dẫn đường.