Quyển sách này mình đọc lần đầu tiên vào năm 2018, có cái hiểu có cái không. Nhưng nó đã trở thành chiếc chìa khóa mở ra cho mình môt con đường để đi tìm ra câu trả lời “tôi là ai?”. Thời điểm mình đọc quyển sách này là những năm tháng tối tăm của cuộc đời khi phải đối diện với một nỗi đau bị đánh thức sau nhiều năm chôn vùi. Thói quen đọc sách từ đó cũng đổi, không còn đọc sách văn học nữa mà chuyển sang nghiên cứu về hành trình nhân sinh, về các chiều kích không gian và về sự sống cùng cái chết.
Sau nhiều năm thực hành các bài học nền tảng ở trong sách để giờ từng bước chân của mình ngày càng vững chắc hơn khi mình đã đi qua hầu như các trạng thái và những bài học cần thiết cho sự thức tỉnh tâm linh của mình. Bây giờ, khi đọc lại lần thứ 2 sau 5 năm, mình đã ngộ ra được những tâm ý của tác giả và đang đồng hành trên chính con đường cởi trói tâm thức đó.
Cái giá phải trả cho hành trình này đó là sự từ bỏ và lột xác. Bỏ đi cái cũ kĩ lạc hậu của chính mình. Lột bỏ đi cái hào quang ảo ảnh không thực mà mình đeo bám nhiều năm. Rời bỏ đi cái vỏ bọc tưởng chừng như là con người thật của mình để từng bước bóc tách, từng bước bước ra ánh sáng của sự thật và để tìm lại linh hồn bị lạc lối ngay bên trong chính mình. “Đời sống tâm linh bắt đầu khi bạn quyết định không bao giờ ngừng cố gắng. Đời sống tâm linh là sự cam kết vượt qua bất kể cái giá phải trả là gì. Đó là một hành trình vô tận khi bạn vượt qua chính bản thân mình, từng phút, từng ngày trong phần đời còn lại của mình.”
Cảm giác cô đơn là một thử thách và cũng là một món quà trên hành trình này, nó là một gia vị không thể thiếu. Khi trưởng thành, bài học đầu tiên mà mình học được đó là đón nhận những điều nghịch lý và những sự khác biệt. Để hiểu hơn về cuộc đời và để mình dần yêu hơn những thử thách luôn kéo giãn mình ra. “Nếu bạn đang thực sự vượt qua, bạn sẽ ở ngay trên giới hạn của bản thân và bạn sẽ không bao giờ có thể quay trở về vùng an toàn trước đó. Một con người sống đời sống tâm linh sẽ cảm thấy như thể họ luôn phải đối diện với cái mép ranh giới đó, liên tục cảm thấy sự thôi thúc phải vượt qua nó.”
“Bạn chỉ đến viếng thăm hành trình này trong vài chục năm và sau đó sẽ rời đi. Hà cớ gì lại sống mấy mươi năm đó của cuộc đời mà luôn căng thẳng với mọi thứ?”. Đọc lại lần thứ 2 sau nhiều năm trải nghiệm và thẩm thấu, có những cảm xúc lắng đọng và có những hiểu biết dần sâu sắc hơn. Mãi cho đến gần đây mình mới thật sự hiểu khi đã lựa chọn con đường hạnh phúc vô điều kiện, bạn sẽ phải đi qua tất cả các điều kiện của nó, khi bạn mong muốn được hạnh phúc thì bạn sẽ nhận được bài kiểm tra “mức độ cam kết” và bạn sẽ phải luôn sáng suốt, cam kết và định tâm để vượt qua các bài kiểm tra sát hạch đó. Nó đơn giản nhưng không dễ dàng môt chút nào. Còn sự phức tạp, có chăng đến từ trong chính tâm trí của chúng ta.
Mình đã dành gần như hai năm để đọc và nghiên cứu các tài liệu về sự chết, tử thư cùng với sự thay đổi của thân xác vật lý trong tiến trình chết. Thậm chí đã từng có môt ý định trở thành người dẫn đường để giúp các linh hồn tìm về với con đường ánh sáng sau khi rời khỏi thân xác, một công tác phục vụ cuối đời thiêng liêng mà mình đã từng rất khát khao để thực hiện. Giờ, bớt nông nỗi và vô minh rồi, vì để giúp được họ, mình phải được trang bị không chỉ kiến thức mà còn có công cụ và sự hiểu biết hay thậm chí là trải nghiệm như các bậc Lạt ma. Ước mơ này nó vẫn ở đó, chưa từng rời đi, chưa từng biến mất mà ngày càng rõ ràng hơn cho mình về một hành trình mình cần phải đi qua. Một tâm nguyện nếu không thể thực hiện trong kiếp sống này thì nó sẽ được hiện thực hóa trong một kiếp khác. Lý do để mình tìm hiểu về cái chết là để mình học cách sống, sống sao cho mình có rời đi thì cũng không tiếc nuối, sống sao cho thật trọn vẹn trong từng phút giây hiện hữu của chính mình. “Nếu bạn sống một cuộc đời trọn vẹn thì sẽ không có ước muốn nào chưa được thực hiện. Vì bạn đã và sẽ thực hiện những ước muốn này trong từng phút giây của cuộc đời.”
“Chiến thắng bản thân mình là chiến thắng oanh liệt nhất” – Thầy Minh Niệm.
Một quyển sách nên đọc cho những ai đang đi tìm “mình”.
Hình lười chụp nên mượn từ Google.