Thật kì lạ là đọc quyển sách này mình có cảm giác giống như đọc tập truyện Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban. Cực kì là cuốn hút luôn.

Khi đọc quyển sách này nó gợi nhớ lại thời gian đi làm với những dự án và kế hoạch chồng chất, rồi deadlines, rồi sếp dí, khách chửi hay những dự án từ trên trời rơi xuống và cả những dự án khủng kiểu sống chết gì cũng phải hoàn thành.

Nếu bạn đã từng đi làm ở doanh nghiệp, khi đọc quyển sách này, bạn sẽ dễ dàng gọi tên được những nhân vật tương ứng trong quyển sách. Cá nhân mình thấy nó vô cùng ăn khớp. Ngoài việc đó ra, mình có thêm những giá trị tiếp thu được đồng thời cũng có góc nhìn và quan điểm cá nhân về ý nghĩa mà quyển sách mang lại.

GIÁ TRỊ ĐẦU TIÊN đó là biết mình đang ở đâu, mình đang có gì và mình đang đi về đâu.

Trong phần triển khai dự án Bill Palmer vừa nhậm chức Phó Giám Đốc Điều hành bộ phận CNTT đã phải ôm đồm một guồng máy chạy từ no where to no where – nghĩa là việc từ đời nào vẫn còn tồn đọng, việc từ trên trời rơi xuống, rồi lỗi, rồi bug, rồi tắc nghẽn và các dự án thì lúc nào cũng khẩn cấp. Tất cả đều do “thiếu nguồn lực”; “thiếu thông tin”; “thiếu thời gian”, “thiếu đủ thứ”. Các đoàn kiểm tra, kiểm toán, đột xuất với những yêu cầu rất tốn thời gian. Sếp ở trên thì đè xuống, đồng nghiệp đổ lỗi nhau, nhân viên thì què quặt, người thì thong dong, người thì ná thở và dự án thì không chạy và các buổi họp thì triền miên bất tận và các thể loại báo cáo ở đâu ra hết giờ gửi kêu sáng mai nộp nhé. Lại còn thêm quả người nhà khó chịu vì đi làm rồi không thấy mặt mũi đâu nữa, không phụ việc nhà, không phụ chăm con tối ngày chúi mũi vào máy tính hoặc về rất trễ.

Nghe quen không? Rất sống động phải ko? có khi nó lại y như cuộc đời của hầu hết đại đa số những người đi làm, nhỉ!

Và đó chính là bối cảnh mà xuyên suốt quyển sách tác giả dẫn người đọc đi qua. Khi đọc sách, đã có lúc mình đồng cảm với Bill hết sức luôn, nhiều lúc đồng nhập trở thành chính Bill để hiểu được nổi khổ của anh, nhất là lúc anh quăng tờ đơn nghỉ việc vì có ông sếp Steven bá đạo tổng tài ngang ngược hết sức. Giận vậy hoy, chứ chương tiếp theo là ảnh quay về đi làm lại, vì còn cả đoàn tàu để anh dẫn dắt và Steve cũng xin lỗi Bill và nhận trách nhiệm cho sự thất bại của dự án ở cương vị là CEO.

GIÁ TRỊ THỨ HAI đó là tinh thần đồng đội.

Điều này thì cực kì là quan trọng, bạn có giỏi đến đâu cũng không thể đi một mình được. Và đã đi cùng đồng đội thì càng phải lựa chọn những người có cùng mục tiêu và chí hướng. Chỉ có như thế mới có thể cùng nhau đồng cam cộng khổ và vượt khó được.

Khi đọc đến đoạn cả đội chạy dự án xuyên màn đêm trong suốt nhiều ngày để chạy cho kịp dự án Phượng Hoàng với phần mô tả bối cảnh cực kì chi tiết. Mình nhớ năm 2018, khi cả đội nhà mình làm ngày làm đêm để kịp hoàn thành cho một đợt viếng thăm quan trọng của phái đoàn FDA ở Mỹ. Tụi mình lúc đó đã làm được một điều phi thường, những yêu cầu cực kì khắt khe lẽ ra phải được chuẩn bị trong 1-2 năm thì tụi mình đã hoàn thành trong 6 tháng. Đương nhiên là trong thời gian ngắn, sai sót vẫn xảy ra, nhưng hơn hết là tinh thần chiến đấu cùng nhau vì một một tiêu chung. Chả ai than mệt, chả ai nói tôi làm nhiều hơn. Mọi người cùng san sẻ, mọi người cùng nỗ lực.

GÍA TRỊ THỨ BA là đặt đúng câu hỏi và làm đúng cách

Khi bạn đặt câu hỏi đúng thì sẽ có câu trả lời đúng. Và tương tự khi một việc vận hành đúng cách thì kết quả sẽ chính xác như những gì bạn kỳ vọng hoặc hơn.

Bài học ở đây về nhân vật Jonh trong tác phẩm khi tất cả mọi mũi dùi đều chĩa về phía anh, và khi tất cả đều nói rằng sự hỗ trợ của anh đều vô dụng và bảo anh chỉ cần ngồi yên đó thôi. John đã biến mất nhiều ngày trời và be bét trong men rượu vì sốc. Sẽ rất đau khi tất cả mọi người đều phủ nhận sự nỗ lực của mình đúng không? Đau lòng, nhưng là thật. Khi bạn có ý định tốt nhưng cách tiếp cận sai, bạn không chỉ gây ra kết quả ngược mà còn trực tiếp/ gián tiếp gây thêm khó khăn, phiền nhiễu cho người khác. Điều đáng sợ là khi bạn không nhận ra bạn lại đang chính là nỗi ám ảnh của mọi người, ở bất cứ nơi đâu bạn xuất hiện và bạn vẫn nghĩ bạn đang làm tốt, bạn đang cống hiến. Cho đến khi….

Hãy tương tác, hãy kết nối, hãy phản tư cùng nhau xem chúng ta có đang làm việc hiệu quả không? Đâu là điều tắc nghẽn, hãy đối diện và chấp nhận tất cả những phản hồi để lấy đó làm yếu tố điều chỉnh. Đừng vì cái tôi quá lớn. May là bạn John không có tự sát, làm mình cũng hú hồn khi đọc đến đoạn này.

GIÁ TRỊ THỨ TƯ làm gì thì làm, đừng làm nút thắt cổ chai.

Bất luận bạn ở đâu, ở vị trí nào, là nhân viên quèn hay lãnh đạo cấp cao. Khi tất cả mọi việc đổ đồn hết về bạn, chờ bạn xử lý. Không có bạn thì không được. Bạn mất tự do, bạn mất đi niềm vui sống, bạn đánh mất chính mình đấy. Nguy cơ tiềm ẩn rất lớn chứ không hề hào nhoáng rằng tôi giỏi, tôi siêu nhân, tôi tài năng như bạn nghĩ đâu.

Brent, một nhân vật trong tác phẩm chính là hiện thân cho nút thắt đấy. Có muốn đuổi cũng không được, mà giữ ở lại cũng không xong. Ai cũng kẹt ngay chỗ bạn. Và rằng bạn rất giỏi, nhưng không có cái gì xong hết. Nhân vật Brent này có nhiều điều thú vị lắm. Mình sẽ viết cụ thể hơn trong một bài phân tích khác.

Tóm lại, quyển sách này nếu đọc được bản tiếng anh thì nên đọc. Bản tiếng việt còn lỗi chính tả và một số thuật ngữ dịch chưa sát nghĩa nên khi đọc mình cũng kiểu okay cho qua để đi theo dòng. Nếu bạn là một người không khó tính thì cứ đọc nhé.

{"email":"Email address invalid","url":"Website address invalid","required":"Required field missing"}
>